Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Viết trên bức tường



Viết trên bức tường tu viện [1]

Tôi chờ một người bạn, nhưng người đã không đến,
Tôi tìm một vị tăng sĩ, nhưng ông không có mặt nơi đây,
Chỉ có con chim sâu trước khu rừng,
Chân thành mời tôi một chút gì để uống.



Yi Il-lo


Yi Il-lo (1152-1220) là học giả và là văn sĩ khoảng giữa thời kỳ Koryo (Vương triều Cao Ly 918-1392). Thuở nhỏ ông là một thần đồng, ưu tú trong nghệ thuật sáng tác và thư pháp. Ông có thời kỳ là một tu sĩ, về sau trở lại đời sống cư sĩ làm ủy viên tài phán cho giáo hội.


Cuộc đời ông là thế, tu viện chắc hẳn quen thuộc. Nhưng bước trở lại thăm thì không có ai, chỉ còn một chú chim sâu hót chào. Lời thơ man mác một chút gì không rõ, nhưng gợi nhớ câu thơ “chùa vắng như không sư”, như không thôi, có nghĩa là có! Đoán như vậy nhưng đâu chắc, nhà thơ mà, chỉ có tác giả là hiểu thấu đáo, còn người đọc chỉ qua lời thơ thấy gần tâm mình thì thích thế thôi. Nghĩa là có lần đến chùa mà không gặp ai, đường xa, đâu biết thầy đi vắng.

Thời buổi điện thoại di động này, chắc đã điện thoại hẹn trước, khi đến là trà nước đã sẵn, nên bài thơ này dường như lỗi nhịp.


QK

[1] Kim Jong-Gil, Among the Flowering Reeds, p.38 Write on the Wall of a Monastery

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Chờ nơi vĩnh cửu


  
Tông môn bạn,
tông môn tôi,
thôi đành chọn chia xa,
để tôi bước đường tôi,
bạn theo đường bạn.

Thà đi cạnh nhau như hai đường thẳng song song,
Còn mong có ngày gặp nhau nơi vô cực.
Nhưng xin đừng tranh luận hai chữ đúng sai,
tâm Phật bạn,
tâm Phật tôi,
chắc hẳn không sai đúng.

Cuối đường là bình an miên viễn,
trên đoạn đường, sao lỗi nhịp cùng nhau.

Nét mặt đức Phật thì từ bi muôn thuở,
nhưng ta thì cách trở bởi niềm tin.

Thôi đành chờ gặp nhau nơi vĩnh cửu,
nơi không còn,
tông môn bạn,
tông môn tôi.

QK

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Khi đời không thể


Em gởi cho tôi một bài tạm gọi là thơ:

Con đâu muốn để cuốn trôi,
Nhưng dòng nước quá ngặt nghèo,
Khúc quanh luôn quá gắt.
Nếu là tôi, tôi sẽ thế nào.

Tôi cũng dùng một bài thơ đáp lại:

Nếu là tôi,
Tuy đời không phẳng lặng,
nhưng không tạo thêm những đoạn gập ghềnh.
Bởi chịu lui “khi đời không thể”.  

Người ta cho như vậy là nhu nhược, nhưng bạn lặng im không cải chính. Sống gần mới hiểu, chịu lui nhường chỉ vì, điều đang có mặt không nằm trong tâm huyết chọn lựa. Tôi hỏi bạn không ngại người ta cho rằng bạn không đủ khả năng làm việc hay sao. Bạn lắc đầu mỉm cười. Đó không phải điều bạn chọn. Người huynh đệ sống cạnh tôi, đã sống như thế, bởi điều bạn chọn là đem đời mình minh chứng cho việc tu học. Không qua nổi những trở ngại phiền phức với nhau, hóa ra chỉ là nói suông.

Người ta chọn điều gì, thì mới cam chịu vất vả với điều mình chọn.

Em chọn vui lòng cha mẹ. Em chịu những tháng ngày luôn im lặng với những phức toái trong gia đình của họ.

Em chọn ngành nghề em thích, em chịu những vất vả của cuộc sống để sống được với niềm đam mê thích hợp với tính nghệ sĩ của em.

Em bỏ hết mọi việc để chọn con đường này, nghĩ rằng sự giải thoát ngay nơi chốn em đang sống. Nhưng không phải vậy, em đành cam chịu hay sao. Em không chịu được sự vô lí của đời sống, nên tìm một con đường khác hơn.

Mọi điều đúng ra là thế. Nhưng những phát sinh không nằm trong sức chịu đựng khiến những bức tranh dự tính không thể hoàn chỉnh. Bây giờ, có người hối tiếc đã nhầm lẫn khi chọn. Tuổi trẻ nông nổi bồng bột, thiếu chín chắn. Nhưng những gì tuổi trẻ chọn, cũng đúng với tuổi trẻ. Qua giai đoạn chững chạc, nếu cho chọn lại, thì dù suy nghĩ kỹ đến đâu, khi tuổi già đến vẫn ân hận, nếu muốn cuộc đời như ý mình.

Em buồn: “Nhưng con không hiểu sao mình lại thay đổi. Con thấy con đường mình đi vẫn đúng, nhưng bên cạnh những việc kia cũng đúng”.

Em cứ băn khoăn giữa việc học và việc tu. Cả hai đều đúng cho tâm trạng mỗi lúc. Khi gặp những bất mãn nơi em đang sống, em cảm thấy sự học quả là cần. Nhưng khi đang giữa sự học, em lại cảm giác mình đang bị mắc vào đâu đó. Em đã có một vị sư huynh học thành tài, nhưng nếp sống của sư huynh khiến em chùn bước, nếu học vị hoàn tất nhưng chỉ là như thế, em không chịu.

Em trình bày mọi suy nghĩ và xin tôi cho một lời khuyên.

Em như một người đứng trước những ngã rẽ, bước đi đâu cũng hoang mang. Người thì khuyên dứt khoát rời bỏ nơi chốn đang sống lên phố thị sẽ có những môi trường học tập tốt đẹp hơn. Em cũng muốn nghe theo, sự ăn ở thì có người hứa lo cho rồi.

- “Vậy thì còn hỏi tôi làm gì?”

- “Nhưng con thấy vẫn có chút gì không an tâm, tuy rằng nghĩ học xong sẽ trở về đây lại”.

Em đã nghe lời tôi dừng lại rất nhiều lần, bây giờ thì thời điểm đã chín muồi cho bước đi. Ba năm đã qua vẫn không đủ vun xới niềm tin cho em. Chính em không chịu vun xới mà để mảnh đất tâm khô cằn, lúc nào cũng muốn nơi chốn mình bình yên, nhưng tâm thì luôn sóng gió. Niềm tin có phát khởi được không, phải từ chính em. Cho rằng vì môi trường quanh em không giúp em tăng trưởng niềm tin, thì rồi con đường của em lúc nào cũng cứ mãi giằng co như hôm nay mà thôi.

Người ta không thể một lúc mà có được tất cả. Tùy thời điểm mà chọn những gì có thể làm được mà thôi. Bên ngoài sẽ giúp mình tất cả những gì thuộc kỹ thuật, nhưng tâm linh thì phải chính mình.

Sách vở học bây giờ không thiếu, nhưng thiếu thời gian và lòng tự tin. Đời sống bình an giản dị đã nhường cho những phức toái của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh sự vui mừng cho nền văn minh phát triển và hòa nhập, là nỗi ưu tư. Cả hai vẫn nằm sâu trong tâm, chỉ đành im lặng để các em có thể an lòng chọn cuộc đời của chính mình.


Quán Không

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Mặt trăng trong giếng

Mặt trăng trong giếng [2]

Nhà sư muốn mặt trăng trong giếng,
và vớt nó với nước lên bỏ vào bình,
nhưng khi trở về tu viện, ông chỉ tìm thấy,
khi bình nghiêng, trăng rơi ra ngoài.
                                        Yi Kyu-bo

Yi Kyu-bo (1168-1241) là học giả, ông ưa thơ nhạc. Trăng có mặt trong thơ rất nhiều. Lạ một điều là nhà sư nhặt được mặt trăng ư! Mặt trăng rơi ra mà không nói nước đổ ra ngoài mặt trăng vỡ!
Thơ nhắc đến trăng nhiều lắm, trăng thay điều muốn nói, nên nó vừa thật vừa là biểu tượng. Đối với chúng ta thú vị nhất là thuật ngữ “chấp chỉ vong nguyệt”. Lúc mới nghe, khó mà đồng ý với chỉ dụ này, vì lập luận rằng ngón tay đâu có ánh sáng, mặt trăng thì sáng, sao có thể lầm chấp được. Mà không biết rằng mình lầm thêm một lớp nữa.
Có một bộ ngữ lục rất khó đọc nhưng tên thì thi vị đó là Chỉ Nguyệt Lục. Nghe tên thì dễ thương, và như chúng ta hay nói “dễ thương nhưng thương không dễ” vậy.

[2] Kim Jong-Gil, Among the Flowering Reeds, p.41 The Moon in the Well


Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Bức tranh trên tường


Đôi lúc bắt gặp một bức tranh, muốn có nó trên tường.

Nhưng rồi như Krisnamurti nói, chỉ một thời gian sau tuy nó còn trên tường nhưng biến mất trong tầm mắt chúng ta.

Có lẽ vậy nên nhà cửa thỉnh thoảng cần được sắp xếp lại, cách bài trí trong vườn thay đổi, đi chơi cũng phải đi những nơi chưa từng biết...

Cảnh lạ làm choáng mắt choáng tâm, nhưng khi đã nhìn quen, nó biến mất.

- Mọi thứ nếu để yên nơi vị trí của nó, đừng có tâm sở hữu, không biết nó còn hoài không nhỉ!

Nghe bạn hỏi câu đó, bâng khuâng chẳng biết nên trả lời sao.