Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Viết trên bức tường



Viết trên bức tường tu viện [1]

Tôi chờ một người bạn, nhưng người đã không đến,
Tôi tìm một vị tăng sĩ, nhưng ông không có mặt nơi đây,
Chỉ có con chim sâu trước khu rừng,
Chân thành mời tôi một chút gì để uống.



Yi Il-lo


Yi Il-lo (1152-1220) là học giả và là văn sĩ khoảng giữa thời kỳ Koryo (Vương triều Cao Ly 918-1392). Thuở nhỏ ông là một thần đồng, ưu tú trong nghệ thuật sáng tác và thư pháp. Ông có thời kỳ là một tu sĩ, về sau trở lại đời sống cư sĩ làm ủy viên tài phán cho giáo hội.


Cuộc đời ông là thế, tu viện chắc hẳn quen thuộc. Nhưng bước trở lại thăm thì không có ai, chỉ còn một chú chim sâu hót chào. Lời thơ man mác một chút gì không rõ, nhưng gợi nhớ câu thơ “chùa vắng như không sư”, như không thôi, có nghĩa là có! Đoán như vậy nhưng đâu chắc, nhà thơ mà, chỉ có tác giả là hiểu thấu đáo, còn người đọc chỉ qua lời thơ thấy gần tâm mình thì thích thế thôi. Nghĩa là có lần đến chùa mà không gặp ai, đường xa, đâu biết thầy đi vắng.

Thời buổi điện thoại di động này, chắc đã điện thoại hẹn trước, khi đến là trà nước đã sẵn, nên bài thơ này dường như lỗi nhịp.


QK

[1] Kim Jong-Gil, Among the Flowering Reeds, p.38 Write on the Wall of a Monastery

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Chờ nơi vĩnh cửu


  
Tông môn bạn,
tông môn tôi,
thôi đành chọn chia xa,
để tôi bước đường tôi,
bạn theo đường bạn.

Thà đi cạnh nhau như hai đường thẳng song song,
Còn mong có ngày gặp nhau nơi vô cực.
Nhưng xin đừng tranh luận hai chữ đúng sai,
tâm Phật bạn,
tâm Phật tôi,
chắc hẳn không sai đúng.

Cuối đường là bình an miên viễn,
trên đoạn đường, sao lỗi nhịp cùng nhau.

Nét mặt đức Phật thì từ bi muôn thuở,
nhưng ta thì cách trở bởi niềm tin.

Thôi đành chờ gặp nhau nơi vĩnh cửu,
nơi không còn,
tông môn bạn,
tông môn tôi.

QK

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Khi đời không thể


Em gởi cho tôi một bài tạm gọi là thơ:

Con đâu muốn để cuốn trôi,
Nhưng dòng nước quá ngặt nghèo,
Khúc quanh luôn quá gắt.
Nếu là tôi, tôi sẽ thế nào.

Tôi cũng dùng một bài thơ đáp lại:

Nếu là tôi,
Tuy đời không phẳng lặng,
nhưng không tạo thêm những đoạn gập ghềnh.
Bởi chịu lui “khi đời không thể”.  

Người ta cho như vậy là nhu nhược, nhưng bạn lặng im không cải chính. Sống gần mới hiểu, chịu lui nhường chỉ vì, điều đang có mặt không nằm trong tâm huyết chọn lựa. Tôi hỏi bạn không ngại người ta cho rằng bạn không đủ khả năng làm việc hay sao. Bạn lắc đầu mỉm cười. Đó không phải điều bạn chọn. Người huynh đệ sống cạnh tôi, đã sống như thế, bởi điều bạn chọn là đem đời mình minh chứng cho việc tu học. Không qua nổi những trở ngại phiền phức với nhau, hóa ra chỉ là nói suông.

Người ta chọn điều gì, thì mới cam chịu vất vả với điều mình chọn.

Em chọn vui lòng cha mẹ. Em chịu những tháng ngày luôn im lặng với những phức toái trong gia đình của họ.

Em chọn ngành nghề em thích, em chịu những vất vả của cuộc sống để sống được với niềm đam mê thích hợp với tính nghệ sĩ của em.

Em bỏ hết mọi việc để chọn con đường này, nghĩ rằng sự giải thoát ngay nơi chốn em đang sống. Nhưng không phải vậy, em đành cam chịu hay sao. Em không chịu được sự vô lí của đời sống, nên tìm một con đường khác hơn.

Mọi điều đúng ra là thế. Nhưng những phát sinh không nằm trong sức chịu đựng khiến những bức tranh dự tính không thể hoàn chỉnh. Bây giờ, có người hối tiếc đã nhầm lẫn khi chọn. Tuổi trẻ nông nổi bồng bột, thiếu chín chắn. Nhưng những gì tuổi trẻ chọn, cũng đúng với tuổi trẻ. Qua giai đoạn chững chạc, nếu cho chọn lại, thì dù suy nghĩ kỹ đến đâu, khi tuổi già đến vẫn ân hận, nếu muốn cuộc đời như ý mình.

Em buồn: “Nhưng con không hiểu sao mình lại thay đổi. Con thấy con đường mình đi vẫn đúng, nhưng bên cạnh những việc kia cũng đúng”.

Em cứ băn khoăn giữa việc học và việc tu. Cả hai đều đúng cho tâm trạng mỗi lúc. Khi gặp những bất mãn nơi em đang sống, em cảm thấy sự học quả là cần. Nhưng khi đang giữa sự học, em lại cảm giác mình đang bị mắc vào đâu đó. Em đã có một vị sư huynh học thành tài, nhưng nếp sống của sư huynh khiến em chùn bước, nếu học vị hoàn tất nhưng chỉ là như thế, em không chịu.

Em trình bày mọi suy nghĩ và xin tôi cho một lời khuyên.

Em như một người đứng trước những ngã rẽ, bước đi đâu cũng hoang mang. Người thì khuyên dứt khoát rời bỏ nơi chốn đang sống lên phố thị sẽ có những môi trường học tập tốt đẹp hơn. Em cũng muốn nghe theo, sự ăn ở thì có người hứa lo cho rồi.

- “Vậy thì còn hỏi tôi làm gì?”

- “Nhưng con thấy vẫn có chút gì không an tâm, tuy rằng nghĩ học xong sẽ trở về đây lại”.

Em đã nghe lời tôi dừng lại rất nhiều lần, bây giờ thì thời điểm đã chín muồi cho bước đi. Ba năm đã qua vẫn không đủ vun xới niềm tin cho em. Chính em không chịu vun xới mà để mảnh đất tâm khô cằn, lúc nào cũng muốn nơi chốn mình bình yên, nhưng tâm thì luôn sóng gió. Niềm tin có phát khởi được không, phải từ chính em. Cho rằng vì môi trường quanh em không giúp em tăng trưởng niềm tin, thì rồi con đường của em lúc nào cũng cứ mãi giằng co như hôm nay mà thôi.

Người ta không thể một lúc mà có được tất cả. Tùy thời điểm mà chọn những gì có thể làm được mà thôi. Bên ngoài sẽ giúp mình tất cả những gì thuộc kỹ thuật, nhưng tâm linh thì phải chính mình.

Sách vở học bây giờ không thiếu, nhưng thiếu thời gian và lòng tự tin. Đời sống bình an giản dị đã nhường cho những phức toái của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh sự vui mừng cho nền văn minh phát triển và hòa nhập, là nỗi ưu tư. Cả hai vẫn nằm sâu trong tâm, chỉ đành im lặng để các em có thể an lòng chọn cuộc đời của chính mình.


Quán Không

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Mặt trăng trong giếng

Mặt trăng trong giếng [2]

Nhà sư muốn mặt trăng trong giếng,
và vớt nó với nước lên bỏ vào bình,
nhưng khi trở về tu viện, ông chỉ tìm thấy,
khi bình nghiêng, trăng rơi ra ngoài.
                                        Yi Kyu-bo

Yi Kyu-bo (1168-1241) là học giả, ông ưa thơ nhạc. Trăng có mặt trong thơ rất nhiều. Lạ một điều là nhà sư nhặt được mặt trăng ư! Mặt trăng rơi ra mà không nói nước đổ ra ngoài mặt trăng vỡ!
Thơ nhắc đến trăng nhiều lắm, trăng thay điều muốn nói, nên nó vừa thật vừa là biểu tượng. Đối với chúng ta thú vị nhất là thuật ngữ “chấp chỉ vong nguyệt”. Lúc mới nghe, khó mà đồng ý với chỉ dụ này, vì lập luận rằng ngón tay đâu có ánh sáng, mặt trăng thì sáng, sao có thể lầm chấp được. Mà không biết rằng mình lầm thêm một lớp nữa.
Có một bộ ngữ lục rất khó đọc nhưng tên thì thi vị đó là Chỉ Nguyệt Lục. Nghe tên thì dễ thương, và như chúng ta hay nói “dễ thương nhưng thương không dễ” vậy.

[2] Kim Jong-Gil, Among the Flowering Reeds, p.41 The Moon in the Well


Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Bức tranh trên tường


Đôi lúc bắt gặp một bức tranh, muốn có nó trên tường.

Nhưng rồi như Krisnamurti nói, chỉ một thời gian sau tuy nó còn trên tường nhưng biến mất trong tầm mắt chúng ta.

Có lẽ vậy nên nhà cửa thỉnh thoảng cần được sắp xếp lại, cách bài trí trong vườn thay đổi, đi chơi cũng phải đi những nơi chưa từng biết...

Cảnh lạ làm choáng mắt choáng tâm, nhưng khi đã nhìn quen, nó biến mất.

- Mọi thứ nếu để yên nơi vị trí của nó, đừng có tâm sở hữu, không biết nó còn hoài không nhỉ!

Nghe bạn hỏi câu đó, bâng khuâng chẳng biết nên trả lời sao.

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Đi thuyền trong đêm


đi thuyền trong đêm [1].
lạc lối giữa đám hoa, thuyền quay lại trễ,
chờ ánh trăng, thuyền trôi chậm dưới dòng nước cạn.
dù rằng tôi đang say, tôi vẫn viết được một lời:
thuyền trôi tiếp, nhưng không phải trong giấc mộng.
 song ik-pil [2]

Ngày qua, nhắc lại, ta thường nói, chỉ là giấc mộng mà thôi. Không riêng tu sĩ nói thế đâu nha. Nhạc sĩ cũng viết thế, và hát như thế: “Tôi mất em, giấc mơ tàn rồi”, “có bao giờ giấc mơ lại đến”, và những gì đã qua được coi như giấc mơ giấc mộng.
Nhưng ngay lúc đó, bài thơ nói không phải trong giấc mộng. Vì giống mộng nên nói “không phải mộng” cho mình tin! Còn mình thì thấy quá “thật”, nên được nhắc chỉ là giấc mộng đêm qua!
Xin nhân bài thơ này nghĩ đến giấc mộng mà không mộng của mình. Cũng thật khó mà biết được rằng: Trong cái thấy đang thật đây mà lại là giấc mộng. Và trong cái cho là đang mộng đây lại có cái không mộng!
QK



[1] Boating at Dusk
[2]Song Ik-pil là học giả, nhà văn trong trung kỳ Triều Tiên. Từ một giai cấp thấp ông đã vươn lên thành đạt, giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Ông nổi tiếng với những bài thơ và văn, đứng vào trong số tám vị nổi tiếng trên văn đàn thuộc triều đại vua Seonjo (Tuyên Tổ) [1567-1608].

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Ngón tay


Nhìn chú bé trong hình mới hiểu vì sao chúng ta nhìn ngón tay chỉ mặt trăng mà cho ngón tay là mặt trăng.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Mẹ

Mẹ con
tranh hạnh đạt


MẸ
TỪ NGUYÊN UỶ



Người ta nói rằng dường như con không thương Mẹ
Vì ngày qua Mẹ tự bước lên thềm
Và con biết Mẹ mỉm cười tủm tỉm
Màu hoa chanh trong nắng có vàng đâu.


Người ta bảo hắn chẳng thấy trước sau
Mẹ vất vả còn chăm chiu lo lắng
Cứ hí hoáy vẽ rồng rồi viết rắn
Mẹ con cười nhạc mắt lắm trăng.

Người ta dõi tóc muối tiêu lần ủ
Hỏi giùm sông đã chảy ngược nguồn
Mẹ vẫn nắm tay con truyền sức cũ
Mòn xương gân chưa lạnh niềm thương.

Khi bôn ba trận mạc đi về
Mẹ ngước ngắm trân trân hình khắc khổ
Phủi bụi lấm gạc gai bùn cỏ
Gió mơn man dịu mát hồn quê.

Con miệt mài bên trang sách giữa đêm khuya
Quở trách nhẹ và ly trà bốc khói
Lòng có xót lòng tung tăng lạ
Đất trời bao giờ cản bước chân voi.

Và mùa xuân đâu chỉ đậu ngoài kia
Lung linh dáng Mẹ màu mơ
Bà tiên ngày xưa cổ tích
Bà tiên kỳ diệu đơn sơ


Người ta nói rằng dường như con không thương Mẹ
Và con biết Mẹ mỉm cười tủm tỉm
Màu hoa chanh trong nắng có vàng đâu

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

"một mình tôi nghe"

Chiều đại hồ cầm
sơn dầu trên giấy – đinhcường – July 13-2015

một ngày mưa xa ngái
vang tiếng đại hồ cầm
vang tiếng trầm rất nhỏ
đủ một mình tôi nghe…

(Chiều mưa. đại hồ cầm – thơ đinh cường)


“Vang tiếng trầm rất nhỏ”… một thoáng bất ngờ nào đó, nghe được một cái gì đã có sẵn, mà ta đã quên.
Dù tiếng rất nhỏ, chỉ bởi ta đã quen. Có những điều đơn giản và nhỏ nhặt trong đời, mà khó nói cho nhau nghe.

Thôi thì qua một bức tranh, qua đôi dòng tản mạn, qua những câu thơ dường như vô nghĩa và chứa cả đại dương. Không phải của người viết mà của người nghe, người đọc.
Tôi nhớ ngày xưa đọc trong tạp chí Văn, có một truyện ngắn, không nhớ tên tác giả, nhưng câu kết của bài viết đó, mấy mươi năm đi qua, còn đọng lại trong tâm. Nói về một ánh đèn vàng nhỏ hắt trong tâm. Và bây giờ thỉnh thoảng rất muốn tìm lại đoản văn có câu kết đó, thời gian qua, tôi cũng quên hẳn lời văn mình từng yêu thích, chỉ còn một ánh đèn vàng!

Mà cũng không hẳn ánh đèn, có thể chỉ là nhắc mỗi người có một điều gì đó hắt bóng vào tâm, mà câu văn kia đã nói lên được điều người đọc muốn nói.

Đạm Kha

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Tổ chim trên vách đá

Trăng và tổ chim trên vách đá
sơn dầu trên giấy plast.
đinhcường
Tôi chưa biết tác giả vẽ tổ chim nào. Nhưng tên của bức tranh, tổ chim trên vách đá. Tự dưng thoáng qua trí những tổ yến.

Người ta cho rằng là điều tự nhiên, khi lấy tổ chim Yến. Nhưng có những điều tự nhiên lại khó bằng lòng.

Bạn vẫn thường hỏi vì sao tôi không chịu uống nước yến, và những hộp Yến trang trọng gởi đến tặng, đều được nhã nhặn từ chối.

Đôi lúc có những điều nghe như đơn giản, nhưng đâu đó, có chút cảm thương.

Như một đời người chăm chút đủ thứ, lo toan đủ điều, rồi một bước chấn động đến, một thoáng như phù du biến mất.


- Chỉ là vậy thôi, mà bạn không chịu uống nước Yến à!

Câu hỏi đã được hỏi, nhưng câu trả lời, thì biết sao mà nói. Bởi chẳng lẽ tôi thương loài chim Yến đến độ vậy!

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Phin cà phê trong tranh

tranh Thân Trọng Minh
Bạn nhìn bức tranh tôi chọn để nơi phòng, mỉm cười nói vì trong tranh có ly cà phê phải không?

Có thể vì cái phin cà phê, tôi nhìn trên bàn nơi góc phòng nơi làm việc, cũng có một cái phin trên một cái tách.

Khó mà nói rõ là vì đâu, cũng có thể vì những đóa hoa đỏ, nhưng cũng có thể vì cánh cửa sổ ở góc tranh, nếu bức tranh thiếu cánh cửa sổ đó, ắt hẳn mang một ý nghĩa khác trong tâm người xem.

Xem tranh, chọn tranh vẫn là một ẩn số riêng trong tâm mỗi người. Chọn sách chọn bạn và những gì gọi là được chọn, khó có một lời giải thích vì sao. 

Chỉ biết rằng không thể không chọn như thế!

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Chỉ là bóng trăng

Tĩnh vật dưới trăng
tranh sơn dầu trên bố
Bửu Chí


Ánh trăng mảnh mai trong lòng tách,
một ngụm nuốt ánh trăng vào.
Không, chỉ là bóng trăng.

Mọi thứ chỉ là cái bóng hắt trong tâm tưởng.
Cứ mãi tưởng đã uống ánh trăng,
Cứ mãi tưởng mình đã nắm được mọi thứ trong tay.

Nhìn ánh trăng trong tách,
giống như mọi thứ đang có trong tay mình!

Chỉ là bóng trăng trong tách cà phê sao!

Quách nhiên


Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

quảy gánh hư không

,

tranh hạnh đạt

Người quảy gánh sông hồ,
Thênh thang trời không vết,

Đi về phía vô biên,
Rồi,
Tình cờ gặp lại.

thơ qn

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Đêm - hạnhđạt

trăng trên núi
ĐÊM

Đêm bây giờ đêm chết hay đêm thở
Không bóng dáng ai, vắng lặng im lìm
Cỏ cây ngậm sương giấc chìm gió ngủ
Trăng chẳng nói năng trăng sáng một mình.

hạnh đạt


Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Một chữ "trôi"

Trăng 16
sơn dầu trên giấy 11 x 11 in
đinhcường 1- 2014
“trôi vào đời nhau”, cụm từ lạ tình cờ bắt gặp trong bài thơ “Trôi” có lẽ vừa mới viết của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc.

Dùng chữ trôi thật chính xác!

Tâm trí vốn bồng bềnh khó mà định hướng, nên trôi trên dòng sông đời, trôi vào đâu đó rất tình cờ cũng rất định mệnh.

Và tôi đã trôi vào đây, bạn đã trôi vào kia. Tưởng là tình cờ, nhưng hóa ra mọi thứ đã định sẵn khi chúng ta vừa khởi niệm.

---


với tranh đinh cường

trăng trôi trên bầu trời xám
xóm làng trôi trên cánh lúa vàng
phố phường trôi trên chiếc thuyền nan
trôi trôi trôi trôi
về biển cả


ở đó những con cá cũng đang trôi
trên bầu trời xám
trên cánh lúa vàng
trên chiếc thuyền nan
bát nhã

tất cả trôi trôi
trên tranh đinh cường
những ngày nằm bệnh
nhớ anh em
trôi vào đời nhau
mãi mãi…

đỗ hồng ngọc
(saigon 1.2015)